Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình, điểm nhấn từ công tác Hội thẩm nhân dân!

Kết thúc năm thi đua 2013, Biên tập viên Cổng thông tin điện tử ngành có dịp trao đổi với Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình – Quách Thị Tuyết Mai, về một số kết quả đạt được trong năm công tác vừa qua.

Dưới đây là thông tin mà Biên tập viên tổng hợp được:

BTV:Thưa đồng chí Chánh án! Đồng chí đánh giá như thế nào về những khó khăn, thuận lợi đối với đơn vị trong năm thi đua 2013?

– Chánh án Quách Thị Tuyết Mai: Nhận định khái quát nhất, trong năm qua, ở đơn vị, khó khăn và thuận lợi đan xen nhau. Trong đó, mặt thuận lợi rõ nhất là việc chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo ngành và cấp ủy Đảng địa phương; sự quan tâm phối hợp tốt của các đơn vị trực thuộc ngành và các cơ quan, ban, ngành địa phương. Chính những thuận lợi cơ bản này cộng với sự đoàn kết, nhất trí của cán bộ, công chức, nhân viên và Hội thẩm nhân dân toàn đơn vị đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình vượt qua các khó khăn về nguồn nhân lực, tài chính, về sự tăng nhanh về số lượng và tính phức tạp của các loại án để cán đích vượt chỉ tiêu công tác đề ra.

– BTV: Thưa đồng chí, kết quả công tác nghiệp vụ năm thi đua 2013 tại đơn vị có gì nổi bật?

– Chánh án Quách Thị Tuyết Mai:  Năm nay số lượng án tăng nhiều, có thể nói là nhiều nhất trong tất cả các năm. Đơn vị đã cố gắng hoàn thành xuất sắc gần 400 vụ án các loại. Tính bình quân, mỗi Thẩm phán phải đảm nhận gần 100 vụ án/năm, trong điều kiện án phức tạp chiếm số lượng nhiều, còn lực lượng Thẩm phán thì thay đổi (đơn vị có 4 Thẩm phán, vào giữa cuối năm đơn vị nhận một Thẩm phán mới bổ nhiệm thay cho một Thẩm phán có kinh nghiệm đã chuyển đi nơi khác công tác). Điều đáng lưu ý là chất lượng án của Thăng Bình năm nay nổi bật, tỷ lệ hủy chỉ chiếm rất thấp 0,38% (năm 2011 hủy 0,4%, năm 2012 hủy 0,57%, năm 2013 hủy 0,38%). Như vậy, bên cạnh sự ổn định về công tác chính trị tư tưởng và công tác quản lý, điều hành, xây dựng đơn vị thì kết quả giải quyết các loại án và nhất là chất lượng xét xử các loại án của Thăng Bình là sự cố gắng không mệt mỏi của anh, chị em đơn vị trong năm 2013.

Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình – Quách Thị Tuyết Mai
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình – Quách Thị Tuyết Mai

– BTV: Trong kết quả đã đạt được, nguyên nhân nào là quyết định, thưa chị ?

– Chánh án Quách Thị Tuyết Mai: Trước hết, chúng tôi đã giữ được sự đoàn kết, thống nhất nội bộ và tranh thủ hết các thuận lợi có được. Trong đó, phải kể đến vai trò, năng lực và tinh thần trách nhiệm của các vị Hội thẩm nhân dân.

– BTV: Chị có thể cho biết rõ hơn!

– Chánh án Quách Thị Tuyết Mai: Công tác Hội thẩm nhân dân tại Thăng Bình từ trước đã được Huyện Ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thăng Bình quan tâm xuyên suốt. Nhiệm kỳ 2011 – 2016, chúng tôi có 20 vị Hội thẩm nhân dân, trong đó kiêm nhiệm là 14 vị, hưu trí là 6 vị; trình độ đại học và tương đương 12 vị, chiếm 60%; đáng lưu ý là có 02 vị nguyên là Chánh án, Thẩm phán của đơn vị. Với đội ngũ Hội thẩm nhân dân đó, cộng thêm sự quan tâm về quản lý, chỉ đạo, hỗ trợ điều kiện vật chất của chính quyền địa phương; sự theo dõi, chỉ đạo, tổ chức tập huấn nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân của Ban lãnh đạo ngành đã tác động trực tiếp, đáng kể vào tiến độ và chất lượng xét xử các loại án ngay từ đầu nhiệm kỳ 2011 – 2016. Lãnh đạo và cán bộ, công chức đơn vị Thăng Bình đã tìm tòi và nhìn thấy được điều này trong chất lượng, tiến độ giải quyết án của các năm 2011, 2012. Do vậy, ngay từ đầu năm 2013, đơn vị đã có kế hoạch phát huy tốt điểm mạnh này. Một mặt chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về tài liệu, cơ sở vật chất, phòng làm việc cho các vị Hội thẩm tham gia xét xử; thường xuyên lắng nghe các quan điểm, ý kiến trao đổi từ các vị Hội thẩm; tổ chức rút kinh nghiệm nghiệp vụ từng Quý, 6 tháng và đột xuất khi cần thiết; kịp thời động viên, đề nghị khen thưởng các vị Hội thẩm nhân dân có thành tích tốt. Mặt khác làm việc với Thường trực Hội đồng nhân dân huyện quan tâm chỉ đạo các đơn vị có Hội thẩm nhân dân kiêm nhiệm, tạo điều kiện cho họ yên tâm tham gia xét xử và hỗ trợ kinh phí phù hợp để trang bị tủ sách pháp luật, bổ trợ chi phí tập huấn nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân. Thẩm phán, Thư ký Tòa án đơn vị cũng thường xuyên liên lạc với các cơ quan có Hội thẩm nhân dân để cân nhắc lịch xét xử cho phù hợp với điều kiện công tác từng vị. Điều cần nhìn nhận: Ở Thăng Bình, câu chuyện trao đổi, nghiên cứu, tranh luận về hoạt động xét xử không chỉ đơn thuần phát sinh từ mối quan hệ giữa Hội thẩm nhân dân với Thẩm phán, Thư ký Tòa án mà còn xuất phát từ  mối quan hệ của đại diện cơ quan, ban, ngành địa phương, của cán bộ hưu trí với Tòa án trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị và cả mối quan hệ của những người đồng nghiệp đi trước có kinh nghiệm với Thẩm phán, cán bộ trẻ kế thừa. Những câu chuyện, những cuộc trao đổi qua lại đó đã tổng hòa được lợi ích, suy nghĩ, yêu cầu giữa pháp luật với tính nhân dân, tính kế thừa cách mạnh và phương diện, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Nhờ vậy, kết quả xét xử vừa tuân thủ tốt pháp luật, vừa nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội. Theo chúng tôi, đây là mấu chốt của vấn đề chất lượng và tiến độ xét xử án của đơn vị – trong điều kiện một Hội đồng xét xử có số lượng Hội thẩm nhân dân chiếm 2/3 như hiện nay.

– BTV: Nhân đầu năm thi đua 2014, chị có tâm tư gì thêm với đồng nghiệp toàn ngành?

– Chánh án Quách Thị Tuyết Mai: Những việc đơn vị chúng tôi làm được năm 2013, nhìn ở góc độ nội bộ thì là sự cố gắng lớn nhưng so với các đơn vị anh, chị toàn ngành thì chúng tôi còn phải phấn đấu nhiều. Bản thân tôi và các đồng nghiệp đã có một năm thi đua 2013 vất vả nhưng tạm nhìn nhận là thắng lợi! Tôi xin chúc các đồng nghiệp vững tin trên nghề nghiệp mình đã chọn, vì một ngành Tòa án Quảng Nam vững mạnh hơn!

– BTV:Trân trọng cảm ơn và kính chúc chị cùng đơn vị có năm thi đua 2014 đạt như mong muốn!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

30 tháng tù giam cho kẻ ghen tuông vô cớ

Ngày 14/3/2023, Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình đã tổ chức phiên tòa rút …

X