Cảnh giác với tiền giả

Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình vừa đưa ra xét xử vụ án hình sự đối với 6 bị cáo can tội tiêu thụ tiền giả (bị Công an huyện Thăng Bình bắt tạm giam vào tháng 7.2012). Sự việc này đã trôi qua khá lâu, tuy nhiên khi nhìn lại tính chất, hành vi phạm tội và tiêu thụ tiền giả với số lượng lớn của các đối tượng, thiết nghĩ chúng ta cũng cần nên cảnh giác cao độ với loại tội phạm này. Nhất là khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thăng Bình vừa tiếp tục bắt quả tang một đối tượng đang có hành vi tiêu thụ tiền giả trên địa bàn thị trấn Hà Lam hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Tội phạm làm tiền giả ngày càng giống tiền thật hơn về hình thức. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt qua một số đặc điểm nhận dạng.
Tội phạm làm tiền giả ngày càng giống tiền thật hơn về hình thức. Tuy nhiên, vẫn có thể phân biệt qua một số đặc điểm nhận dạng.

Trở lại câu chuyện của 6 đối tượng nêu trên, trong thời gian từ đầu tháng 4 đến tháng 7.2012, qua nhiều mối quan hệ, Võ Ngọc Hùng (trú huyện Điện Bàn) ra Hà nội mua 38 triệu đồng tiền giả loại tiền polymer mệnh giá 200 nghìn đồng mang về Quảng Nam tiêu thụ. Trong số 38 triệu đồng tiền giả này, tự tay Hùng đã tiêu thụ trót lọt 21 triệu đồng, số còn lại chia cho các đối tượng khác như Huỳnh Kim Hoàng, Nguyễn Mậu Đồng, Nguyễn Văn Hai (cùng trú tại Điện Bàn) và Lê Thị Thúy An (trú Hương An, Quế Sơn) đem đi các nơi tiêu thụ.

Theo lời khai của các đối tượng, sau khi nhận tiền, cả nhóm sẽ nhắn tin cho nhau qua điện thoại, thông báo những địa điểm sẽ tiêu thụ tiền giả – chủ yếu ở vùng nông thôn, các quầy tạp hóa nhỏ lẻ. Đầu tháng 7.2012, Hùng đưa cho Huỳnh Kim Hoàng 5 triệu đồng tiền giả loại 200 nghìn đồng. Sau đó Hoàng đem số tiền này đi tiêu thụ tại các địa phương ở Điện Bàn và xã các xã Bình Triều, Bình Sa huyện Thăng Bình bằng cách mua vé số, uống cà phê, mua thuốc lá, mua những vật dụng nhỏ để đưa tiền giả lấy tiền thật được thối trả. Sáng 15.7, Hùng đến uống cà phê tại một quán nhỏ ở thôn Hưng Mỹ (xã Bình Triều), lợi dụng lúc quán đang đông khách, đối tượng này đã trả 200 nghìn đồng tiền giả và thu tiền thối trả được 180 nghìn đồng tiền thật. Không dừng lại ở đó, Hùng tiếp tục dừng lại sửa xe ở tiệm của anh B. (thôn Hưng Mỹ), sau khi trả bằng tiền giả, y nhận được tiền thối 250 nghìn đồng tiền thật. Một sự việc khác cũng liên quan đến nhóm chuyên tiêu thụ tiền giả này, đó là vào khoảng 13 giờ ngày 19.7.2012, Lê Thị Thúy An nhắn tin cho Nguyễn Văn Hai với nội dung là muốn về quê thăm gia đình. Hai hẹn An đến cổng Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc để đưa tiền giả. Đến nơi, Hai đã đưa cho An 2 triệu đồng tiền giả gồm 10 tờ loại mệnh giá 200 nghìn đồng. Trên đường về quê, An ghé vào một quán nước trên quốc lộ 1 qua địa phận xã Hương An uống nước, sau đó trả tiền giả và thu được 190 nghìn đồng tiền thật. Cũng với thủ đoạn dừng lại để uống nước và mua thuốc lá, An đã tiêu thụ được 2 tờ tiền giả tại quầy tạp hóa của các chị V.T.Y., V.T.Đ. tại xã Bình Giang và thu được 370 nghìn đồng tiền thật. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, An đưa tiền cho 2 thanh niên cùng đi với mình đến tiệm tạp hóa của chị V.T.C. ở thôn 3 Bình Giang mua xăng và thuốc lá, khi nhận tiền, chị C. phát hiện ra tiền giả và báo ngay cho công an địa phương, An và 2 thanh niên đi cùng bị bắt ngay sau đó ít phút.

Theo Thượng tá Trần Văn Xuân – Phó Trưởng Công an huyện Thăng Bình, hành vi buôn bán, tiêu thụ, lưu hành tiền giả trên địa bàn huyện đã xuất hiện từ lâu. Các đối tượng thường hình thành đường dây, móc nối với nhau để tuồn tiền giả bằng nhiều con đường khác nhau. Việc đấu tranh với hành vi phạm tội này thường gặp nhiều khó khăn. Bởi thủ đoạn bọn tội phạm trong lĩnh vực này rất xảo quyệt và có tính tổ chức. Thông thường, qua nhiều khâu và vai trò khác nhau của từng đối tượng trong đường dây, giá trị mua tiền giả bằng tiền thật cũng sẽ thay đổi, bằng 40 – 70% giá trị tiền thật. Địa bàn hoạt động tội phạm cũng khá đa dạng. Chúng thường hướng tới khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, nơi mà khả năng tiếp cận của người dân với các thông tin còn hạn chế. Ở khu vực thị trấn, thị tứ, bọn tội phạm cũng không loại trừ lợi dụng khi những người bán hàng đang bận rộn, thiếu cảnh giác hoặc những người già cả, kém mắt, trời tối… để thực hiện hành vi phạm tội. Để đấu tranh phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm tiêu thụ tiền giả, không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng mà mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước những vị khách hàng mua hàng giá trị thấp nhưng lại thanh toán bằng tiền mệnh giá cao, nhất là khi việc mua bán ấy diễn ra vào thời điểm trời tối, không rõ ràng…

Nguồn: Báo Quảng Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xét xử vụ án “Cố ý gây thương tích”

gày 05/11/2015, Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình đã đưa ra xét xử sơ …

X